Đánh thức tiềm lực Phù Mỹ
|
||||
18:15', 31/8/ 2003 (GMT+7)
|
||||
Là một huyện đồng bằng ven biển,
Phù Mỹ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội như: hệ
thống đường giao thông khá hoàn chỉnh, tài nguyên khoáng sản dồi dào, khả
năng phát triển các ngành nghề lớn... Trong giai đoạn phát triển mới, Phù Mỹ
tập trung vào những mục tiêu lớn: phát triển nghề nuôi tôm trên cát, tăng
cường năng lực khai thác khoáng sản titan, đá granite, chế biến thủy sản...
* Sơ lược về địa lý - hành chính
Phù Mỹ là huyện đồng bằng rộng
nằm ở đoạn giữa của tỉnh Bình Định, phía bắc giáp huyện Hoài Nhơn, nam và tây
nam giáp huyện Phù Cát, tây bắc giáp huyện Hoài Ân, hướng ra biển khơi...
Hiện nay Phù Mỹ có hơn 186.000 dân, riêng thị trấn Phù Mỹ có gần 2.000 dân.
Năm 1471 Phù Mỹ là một phần của
huyện Phù Ly thuộc phủ Hoài Nhơn. Đến năm 1832 Phù Ly được chia làm hai
huyện: Phù Cát và Phù Mỹ, lấy sông La Tinh làm ranh giới tự nhiên, lỵ sở của
Phù Mỹ đóng tại thôn Trà Quang (tổng Trung Bình, nay là thị trấn Phù Mỹ). Năm
1939 Phù Mỹ được nâng cấp lên thành cấp phủ, với 6 tổng: An Bình, Bình Thành,
Hòa Lạc, Trung Bình, Trung Thành, Vạn Định. Sau Cách mạng tháng 8-1945, phủ
và các tổng ở Phù Mỹ được đặt lại tên theo tên các chiến sĩ yêu nước nổi
tiếng ở địa phương. Năm 1946 bỏ cấp tổng, lấy lại tên huyện như cũ, Phù Mỹ
lúc này có 37 xã. Đến cuối năm 1947 đầu năm 1948 dồn lại còn 14 xã: Mỹ Cát,
Mỹ Chánh, Mỹ Đức, Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi, Mỹ Phong, Mỹ Quang, Mỹ
Tài, Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ Thắng, Mỹ Trinh. Trước năm 1975, chính quyền Sài
Gòn đổi huyện Phù Mỹ thành quận, đổi thôn thành ấp, điều chỉnh một số địa danh,
địa giới hành chính, toàn Phù Mỹ khi ấy có 115 ấp. Sau năm 1975, chính quyền
cách mạng lấy lại đơn vị hành chính huyện, Phù Mỹ lúc này có 14 xã, 115 thôn.
Tháng 12-1991 thành lập thị trấn Phù Mỹ gồm các thôn: Trà Quang (Mỹ Quang),
An Lạc Đông, Phú Thiện (Mỹ Hòa), Diêm Tiêu (Mỹ Trinh). Hiện nay huyện Phù Mỹ
gồm có 2 thị trấn: Phù Mỹ, Bình Dương và 17 xã gồm: Mỹ An, Mỹ Cát, Mỹ Chánh,
Mỹ Chánh Tây, Mỹ Châu, Mỹ Đức, Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi, Mỹ Phong, Mỹ
Quang, Mỹ Tài, Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ Thắng, Mỹ Trinh.
* Đôi nét về con người và văn
hóa
Các sử gia triều đình nhà Nguyễn
đã ghi nhận về phong thái, đức tính của người Phù Mỹ trong Đồng Khánh dư địa
chí như sau: "Cần kiệm tột bậc là Phù Mỹ. Chuộng gốc nhiều, theo ngọn
ít. Kẻ sĩ siêng cần, giàu chuyên học, dân cần cù, giản dị".
Phù Mỹ vốn là đất hiếu học của
Bình Định, từng sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng trẻ tuổi học rộng tài cao,
đức độ và khí phách. Cuối thế kỷ 18 có Cao Tắc Tựu, Phạm Văn Tung, Trần Bá
Hữu, Lê Văn Trung... nổi tiếng văn võ song toàn, có nhiều đóng góp lớn cho
phong trào nông dân Tây Sơn. Trước 1945, Phù Mỹ chỉ có 2 trường tiểu học ở
Trà Quang, An Lương cùng một số ít trường ở tổng và làng nên nhân dân tự mở
ra nhiều trường tư thục, gia đình học hiệu. Những năm đất nước bị chia cắt, ở
cả hai miền Nam - Bắc, Phù Mỹ đều có nhiều học sinh sinh viên giỏi, điều đặc
biệt là họ đều yêu nước, yêu quê hương và dân tộc Việt Nam.
Kho tàng văn hóa dân gian của
Phù Mỹ khá phong phú, số lượng ca dao, tục ngữ, hò vè... mà các nhà nghiên
cứu sưu tầm được trên đất Phù Mỹ khá nhiều, tiêu biểu nhất có vè Chàng Lía.
Văn hóa dân gian ở Phù Mỹ nồng đượm tình người, giàu
hương sắc địa phương. Dân phù Mỹ rất ưa chuộng dân ca bài
chòi và hát tuồng. Hát tuồng rất phổ biến tại những làng chài ven biển, tại
các lễ hội cầu ngư, người ta thường tổ chức hát lăng, biểu diễn chèo bá trạo.
Ở những làng quê phổ biến các hình thức hát hò, hát kết của các đôi trai gái
trao gởi tâm tình... Hát hò, dân ca bài chòi là một trong những hình thức mà
người Phù Mỹ sử dụng nhiều để thể hiện sự giàu có về tâm hồn của mình.
* Lịch sử đấu tranh hào hùng
Trước Cách mạng tháng Tám 1945,
Phù Mỹ từng nổi tiếng với phong trào chống sưu cao thuế nặng (1908), nhiều
văn thân yêu nước đã bị thực dân Pháp giết hại do vận động chống thực dân xâm
lược. Trong giai đoạn 1945-1954, nắm chắc chiến lược "kháng chiến, kiến
quốc" Đảng bộ và nhân dân Phù Mỹ đã gặt hái nhiều thành công, trở thành
một phần quan trọng của hậu phương lớn tiếp sức cho tiền tuyến. Trong giai
đoạn này nhiều phong trào như: xây dựng nếp sống mới, bình dân học vụ, đi dân
công tiếp vận, giúp đỡ gia đình liệt sĩ, chăm sóc thương
binh... đã được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Trong
kháng chiến chống Mỹ, Phù Mỹ là một trong những địa bàn bị đánh phá ác liệt
nhất. Nhưng cũng chính ở đây, nhiều trận thắng lớn đã diễn ra tại đây, điển
hình có trận Đèo Nhong - Dương Liễu (2-1965) góp phần giải phóng gần hết
huyện trong năm 1965, trận Núi Mun (Mỹ Tài, 1974)...
* Tiềm năng kinh tế
Dưới lòng đất của Phù Mỹ có khá
nhiều khoáng sản chưa được điều tra khảo sát đánh giá một cách bài bản như:
quặng sắt (Mỹ Châu), titan (Mỹ Thành, Mỹ Thọ), đá ốp lát (Mỹ Đức, Mỹ Chánh,
Mỹ Hòa, Mỹ Thành), đá xây dựng (Mỹ Lợi, Mỹ An, Mỹ Trinh,
Mỹ Hòa, Mỹ Hiệp), than bùn (Mỹ Thắng), cao lanh (Mỹ Hiệp,
Mỹ Đức).
Bờ biển Phù Mỹ từ Phú Thứ (Mỹ
Đức) đến Vĩnh Lợi (Mỹ Thành) có nhiều bãi ngang, rạn san hô, vũng tạo thành
những cụm ao đìa ven bờ đủ điều kiện để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản kể cả lĩnh vực nuôi thủy sản
bằng lồng thả nuôi trên biển. Cùng với nuôi trồng, Phù Mỹ còn khá mạnh về
lĩnh vực chế biến thủy sản với các sản phẩm như: ruốc
khô, cá khô, nước mắm, đặc biệt là loại mắm cá thu của Phù Mỹ thì nay đã nổi
tiếng khắp cả nước. Ngành nghề thủ công ở Phù Mỹ cũng khá đa dạng, nhiều nơi
đã hình thành vùng sản xuất tập trung sử dụng nguyên vật liệu địa phương như:
chế biến nước mắm ở Mỹ Thọ, chế biến xơ dừa ở Mỹ Lợi, sản xuất đồ mây tre,
đan lát ở Mỹ Trinh, sản xuất đồ sành sứ ở Mỹ Quang...
* Đánh thức tiềm lực
Cho đến nay, cùng với Tuy Phước,
Vân Canh, An Nhơn; Phù Mỹ là huyện có nguồn đá ốp lát, đá xây dựng thuộc loại
phong phú nhất. Chưa có những cuộc điều tra, khảo sát để đánh giá một cách
toàn diện và đầy đủ tiềm năng, chủng loại, trữ lượng đá granite của Phù Mỹ
(trừ mỏ đá đen tuyền Phù Hà – Mỹ Hòa được đánh giá sơ bộ
có trữ lượng khoảng 4,5 triệu m3) nhưng điều có thể nói ngay là những loại đá
đẹp nhất, có giá trị cao nhất mà thị trường đang chú ý hầu hết đều có đủ ở
huyện này. Có thể kể đến những mỏ đá sắc xanh ở Mỹ Thành, đá sắc đỏ ở Mỹ Đức,
đá sắc trắng, vàng tổ ong, đen tuyền ở Mỹ Hòa. Cho đến
nay trên toàn địa bàn huyện vẫn mới chỉ có 2 đơn vị tổ chức khai thác đá
granite với lượng khai thác hãy còn rất thấp. Một khi quốc lộ 1A được nâng
cấp xong, các cụm công nghiệp được mở rộng, kinh tế phát triển đồng thời
huyện cũng cải thiện sự hấp dẫn của chính sách hỗ trợ, trải thảm đỏ mời nhà
đầu tư thì tình thế sẽ khác hẳn.
Trong những năm qua, các công
trình nghiên cứu quốc gia về tuyển quặng tinh inmenhite, ziếc côn, rutin...
trong sa khoáng biển Bình Định đã được Viện Địa chất khoáng sản, Viện Luyện
kim màu triển khai và cho những kết quả sơ bộ đáng phấn khởi. Ước tính, Bình Định có khoảng 2 triệu tấn
quặng tinh inmenhite nằm lộ thiên ven biển phân bố khá đồng đều ở hai huyện
Phù Mỹ và Phù Cát. Những thông số này cho phép Phù Mỹ tổ chức gọi mời đầu tư
và khai thác khoáng sản titan là một trong những lĩnh vực mà Phù Mỹ đã thu
hút được nhiều vốn đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn đã có 2 doanh nghiệp đang
tổ chức khai thác sa khoáng titan, 2 doanh nghiệp khác đang hoàn chỉnh thủ
tục để triển khai khai thác.
Bên cạnh lĩnh vực khai thác
khoáng sản, nói tới Phù Mỹ bây giờ là nói đến chuyện phát triển nghề nuôi tôm
trên cát. Quả thật, về Mỹ An và Mỹ Thắng vào những ngày này, trong câu chuyện
của người dân, ta dễ dàng nhận thấy bóng dáng của con tôm. Ông Huỳnh Văn Nam – Phó chủ
tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết: "Bên cạnh 2.000 ha ao đầm đã được khai
thác lâu nay, huyện đã hợp đồng nghiên cứu xây dựng quy hoạch vùng nuôi tôm
trên cát để mở rộng khả năng nuôi trồng. Quy hoạch này do Viện Hải dương học
Nha Trang thực hiện, chính Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tác An – Viện trưởng chủ
trì. Bản quy hoạch đã được các cơ quan thẩm định đánh giá rất cao. Tiếp đó
hợp phần quy hoạch chi tiết được các chuyên gia của trường Đại học thủy lợi
II thực hiện. Kết quả chúng tôi đã có một vùng nuôi tôm trên cát rộng 500 ha
trong đó diện tích rừng chắn cát rộng 300ha, diện tích hồ nuôi trồng là
200ha. Huyện đã đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng đường giao thông, tiêu thoát
nước, kéo điện đến chân công trình ao hồ. 120ha hồ tôm đầu tiên đã được triển
khai xong ở Mỹ An, 80 ha còn lại của Mỹ Thắng hiện đang được khẩn trương thực
hiện. Khu nuôi tôm này là điểm nhấn quan trọng để thể hiện năng lực khả năng
phát triển của Phù Mỹ, bởi giá trị kinh tế của con tôm
thì ai cũng đã biết rồi!".
* Nhìn về phía trước
Kinh tế Phù Mỹ trong mấy năm gần
đây liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 7%/năm, cơ cấu kinh tế tiếp tục
chuyển đổi theo hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn
diện, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ có nhiều chuyển biến mới,
một số ngành nghề truyền thống đã được
phục hồi và tích cực tham gia thị trường. Số lượng tàu thuyền đánh cá, phương
tiện vận tải đường bộ tăng đáng kể... Đó là cơ sở để ta có thể thêm tin tưởng
vào tương lai phát triển của Phù Mỹ. Ông Trần Thái Nga - Chủ tịch UBND huyện
khẳng định: "Có thể Phù Mỹ chưa có những bước phát triển nhảy vọt, nhưng
với những gì đã đạt chứng tỏ chúng tôi đã có những bước đi vững chắc và đi
đúng hướng. Cơ sở hạ tầng của Phù Mỹ đang được cải thiện tích cực: đường giao
thông tốt hơn, trường học nhiều hơn, kiên cố hơn, hệ thống điện đang được
nâng cấp về chất lượng, môi trường được kiểm soát chặt chẽ... Với sự chuẩn bị
đó, chắc chắn trong giai đoạn sắp tới Phù Mỹ sẽ phồn vinh hơn."
. Bá Phùng
|
Phù Mỹ Của Tôi 1996
Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013
Đánh thức tiềm lực Phù Mỹ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét