Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Bản đồ của tôi

javascript:void(0);

LỄ HỘI - LÀNG NGHỀ


LỄ HỘI - LÀNG NGHỀ

XÃ MỸ TÀI - MỘT LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TRÊN ĐÀ KHỞI SẮC
 Xã Mỹ Tài huyện Phù Mỹ là một vùng quê nơi có nhiều những ngành nghề truyền thống như: nghề nung đồ gốm ở thôn Vĩnh Lý, làng nghề đan đác tập trung ở thôn Vĩnh lý, Vĩnh Nhơn đang được gìn giữ và phát triển. Trong đó Làng nghề tráng bánh mì chà ở thôn Mỹ Hội 1 đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống tại Quyết định số 131/2005/QĐ-UBND ngày 13/12/2005. Những làng nghề truyền thống này đã góp phần xóa đói giảm nghèo cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân, giải quyết việc làm cho hàng ngàn con người đang sinh sống, họ gắn bó với nghề, giữ nghề như họ đã từng gan góc bám trụ ở lại giữ quê hương nuôi giấu cán bộ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
  
Ai có dịp về với quê hương Mỹ Tài huyện Phù Mỹ dù chỉ một lần, chắc hẳn không thể nào quên nơi có một vùng quê yêntĩnh, hiền hòa, người dân mộc mạc, giản dị và hiếu khách, sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, với 2 loại cây trồng chính là cây lúa và cây mì. Diện tích lúa 450ha, cây mì 650ha. Do đặc thù của một xã có nhiều gò đồi, đất cát bạc màu, phần lớn diện tích thiếu nước tưới, sau ngày đất nước ta hoàn toàn giải phóngtoàn xã bắt tay vào xây dựng công trình thủy lợi, nhưng điều kiện địa hình không cho phép vì vậy việc xây dựng được một công trình thủy lợi có đủ dung tích tưới cho cả xã là một điều rất khó thực hiện.
Năng suất cây lúa thấp, đối với vùng đất “chưa mưa đãthắm”  việc phát triển trồng cây mì đối với vùng đất này là phù hợp nhất, vì vậy cây mì có tầm quan trọng rất lớn đối với đời sống của bà con trong toàn xã. Đặc biệt trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thì sản phẩm từ cây mì là cực kỳ quan trọng đối với quân và dân ta, trong đó Bánh tráng mì chà không thể thiếu trong những bữa ăn của bộ đội và Du kích xã “Khen thay con gái Mỹ Tài, nấu một lon gạo nồi hai cũng đầy” hay “ Tiếng đồn Mỹ Hội có tài, nấu một lon gạo nồi hai cũng đầy”.
 
Vậy Bánh tráng mì chà có từ bao giờ, mấy ai còn nhớ được cụ thể. Chỉ nghe những người lớn tuổi trong làng kể lại rằng: Trước đây đời sống đói khổ, nên nhà nhà đều trồng mì, chủ yếu để sử dụng trong gia đình, với hình thức ban đầu là băm nhỏ ngâm tươi luộc chín ăn hoặc xắtlát phơi khô sau đó đem ngâm rồi nấu chín. Nhưng với tính cần cù sáng tạo nhằm cải tiến sản phẩm, họ dùng tấm sắt đục nhiều lỗ nhỏ và mài củ mì tươi ép vắt ra tinh bột (ngày nay dùng máy xay củ tươi) cũng từ đó nảy sinh ra nghề tráng bánh mì chà và làm bún số 8, và con cháu gìn giữ lưu truyền đến mãi tận bây giờ.
Nhìn lại một chặn đường khá dài trong những năm đầu sau ngày đất nước được thống nhất, hưởng ứng cuộc phát động “Toàn dân hăng hái tăng gia sản xuất” “mỗi đầu người trồng 300 gốc mì” đã góp phần đáng kể trong việc giải quyết thiếu lương thực của xã Mỹ Tài nói riêng và của huyện Phù Mỹ nói chung.

Trong giai đoạn hiện nay hầu hết đời sống của bà con nhân dân đã được ổn định và từng bước phát triển, cây lúa đã đáp ứng đủ về lương thực, các ngành nghề khác cũng phát triển đáng kể, nhưng nghề tráng bánh nói chung và nghề tráng bánh mì chà nói riêng là không thể thiếu đối với bà con nhân dân, nhất là của làng nghề tráng bánh mì ở thôn Mỹ Hội 1 xã Mỹ Tài huyện Phù Mỹ. Với diện tích đất trồng mì lớn hơn đất trồng lúa, hiện nay chưa có loại cây trồng nào thay thế được cho vùng đất cát này. Mặt khác sản phẩmmì tươi hiện nay thấp, tuy đã có Nhà máy chế biến tinh bột sắn gần kề xã nhưng việc thu mua của nhà máy giákhông cao nên người nông dân trồng mì chưa mặn mà với Nhà máy. Trong khi đó nghề tráng bánh mì lại có nhiều ưu điểm: Vừa tận dụng sản phẩm sẵn có ở địa phương, công việc nhẹ nhàn, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thu nhập từ việc bán bánh tương đối khá cao so với ngày công lao động hiện tại, giải quyết được việc làm cho số lao động nông nhàn sau mùa vụ chính.
Phát huy thế mạnh sẵn có, nghề tráng bánh mì chà ở làng nghề Mỹ HộiI không những đứng vững mà còn phát triển đáng kể cả về số hộ sản xuất và số lượng sản phẩm làm ra.
Tính từ năm 1995 trở về trước toàn xãchỉ có trên 100 hộ sản xuất thì riêng thôn Mỹ Hội Iđã có 40 hộ và đến nay đã có trên 80/208 hộ của toàn thôn làm nghề tráng bánh mì chà, hàng năm đưa ra thị trường tiêu thụ trên 7 ngàn thiên bánh (trên 7 triệu chiếc bánh) và chiếc bánh mì chàđã được nhiều nơi gần xa biết đến.
Một tin vui cho bà con ở làng nghề Mỹ Hội I. Vừa qua tại Hội chợ “Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2010” được tổ chức tại thành phố biển QuyNhơn tỉnh Bình Định, tại gian hàng giới thiệu sản phẩm của Cơ sở Ngọc Hương ngoài những sản phẩm như: Rượu Bàuđá, bánh tráng trên lưng ngựa, bánh tráng mì chà của làng nghề Mỹ Hội Icũng có mặt và được đông đảo người dân tham gia hội chợ mua với số lượng lớn với giá tương đối cao, sản phẩm tiêu thụ tại hội chợ trên 150 hộp (mỗi hộp 20 chiếc bánh) như vậy rồi đây sẽ càng được nhiều người biết đến và trong tương lai sẽ có nhiều Hợp đồng bao tiêu sản phẩm bánh tráng mì chà cho bà con ở làng nghề thôn Mỹ Hội I xã Mỹ Tài huyện Phù Mỹ.
Đây là một hướng đi đúng, phù hợp với định hướng phát triển của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, và cũng là một biện pháp tối ưu để khắc phục tình trạng trong việc đầu ra cho sản phẩm từ cây mì và cũng là điều mà chính quyền địa phương và lãnh đạo UBND huyện Phù Mỹ luôn quan tâm trăn trở.
Nhưng để làng nghề phát triển bền vững, người dân yên tâm với nghề, giữ nghề thìChính quyền địa phương xã Mỹ Tài, lãnh đạo UBND huyện Phù Mỹ và các ngành chức năng của tỉnh Bình Định cần quan tâm hơn nữa, tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cho làng nghề như:Đầu tư xây dựng đường giao thông nội bộ trong làng nghề, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, đào tạo nghề, truyền nghề. Đồng thời phải tạo cho được thương hiệu, đăng ký sản phẩm độc quyền, kiểu dáng bao bì (logo) cho sản phẩm để bánh tráng mì chà ngày một vươn xa không những thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn nhất là trong giai đoạn hiện nay thời kỳ CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn./.
                                                                                                                                                                                         Thanh Toàn BQLCCCN-LN Phù Mỹ



Đánh thức tiềm lực Phù Mỹ


Đánh thức tiềm lực Phù Mỹ
18:15', 31/8/ 2003 (GMT+7)
Khu kỷ niệm chiến thắng Đèo Nhong - Dương Liễu
Là một huyện đồng bằng ven biển, Phù Mỹ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội như: hệ thống đường giao thông khá hoàn chỉnh, tài nguyên khoáng sản dồi dào, khả năng phát triển các ngành nghề lớn... Trong giai đoạn phát triển mới, Phù Mỹ tập trung vào những mục tiêu lớn: phát triển nghề nuôi tôm trên cát, tăng cường năng lực khai thác khoáng sản titan, đá granite, chế biến thủy sản...
* Sơ lược về địa lý - hành chính
Phù Mỹ là huyện đồng bằng rộng nằm ở đoạn giữa của tỉnh Bình Định, phía bắc giáp huyện Hoài Nhơn, nam và tây nam giáp huyện Phù Cát, tây bắc giáp huyện Hoài Ân, hướng ra biển khơi... Hiện nay Phù Mỹ có hơn 186.000 dân, riêng thị trấn Phù Mỹ có gần 2.000 dân.
Năm 1471 Phù Mỹ là một phần của huyện Phù Ly thuộc phủ Hoài Nhơn. Đến năm 1832 Phù Ly được chia làm hai huyện: Phù Cát và Phù Mỹ, lấy sông La Tinh làm ranh giới tự nhiên, lỵ sở của Phù Mỹ đóng tại thôn Trà Quang (tổng Trung Bình, nay là thị trấn Phù Mỹ). Năm 1939 Phù Mỹ được nâng cấp lên thành cấp phủ, với 6 tổng: An Bình, Bình Thành, Hòa Lạc, Trung Bình, Trung Thành, Vạn Định. Sau Cách mạng tháng 8-1945, phủ và các tổng ở Phù Mỹ được đặt lại tên theo tên các chiến sĩ yêu nước nổi tiếng ở địa phương. Năm 1946 bỏ cấp tổng, lấy lại tên huyện như cũ, Phù Mỹ lúc này có 37 xã. Đến cuối năm 1947 đầu năm 1948 dồn lại còn 14 xã: Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Đức, Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi, Mỹ Phong, Mỹ Quang, Mỹ Tài, Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ Thắng, Mỹ Trinh. Trước năm 1975, chính quyền Sài Gòn đổi huyện Phù Mỹ thành quận, đổi thôn thành ấp, điều chỉnh một số địa danh, địa giới hành chính, toàn Phù Mỹ khi ấy có 115 ấp. Sau năm 1975, chính quyền cách mạng lấy lại đơn vị hành chính huyện, Phù Mỹ lúc này có 14 xã, 115 thôn. Tháng 12-1991 thành lập thị trấn Phù Mỹ gồm các thôn: Trà Quang (Mỹ Quang), An Lạc Đông, Phú Thiện (Mỹ Hòa), Diêm Tiêu (Mỹ Trinh). Hiện nay huyện Phù Mỹ gồm có 2 thị trấn: Phù Mỹ, Bình Dương và 17 xã gồm: Mỹ An, Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Chánh Tây, Mỹ Châu, Mỹ Đức, Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi, Mỹ Phong, Mỹ Quang, Mỹ Tài, Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ Thắng, Mỹ Trinh.
* Đôi nét về con người và văn hóa
Các sử gia triều đình nhà Nguyễn đã ghi nhận về phong thái, đức tính của người Phù Mỹ trong Đồng Khánh dư địa chí như sau: "Cần kiệm tột bậc là Phù Mỹ. Chuộng gốc nhiều, theo ngọn ít. Kẻ sĩ siêng cần, giàu chuyên học, dân cần cù, giản dị".
Phù Mỹ vốn là đất hiếu học của Bình Định, từng sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng trẻ tuổi học rộng tài cao, đức độ và khí phách. Cuối thế kỷ 18 có Cao Tắc Tựu, Phạm Văn Tung, Trần Bá Hữu, Lê Văn Trung... nổi tiếng văn võ song toàn, có nhiều đóng góp lớn cho phong trào nông dân Tây Sơn. Trước 1945, Phù Mỹ chỉ có 2 trường tiểu học ở Trà Quang, An Lương cùng một số ít trường ở tổng và làng nên nhân dân tự mở ra nhiều trường tư thục, gia đình học hiệu. Những năm đất nước bị chia cắt, ở cả hai miền Nam - Bắc, Phù Mỹ đều có nhiều học sinh sinh viên giỏi, điều đặc biệt là họ đều yêu nước, yêu quê hương và dân tộc Việt Nam.
Kho tàng văn hóa dân gian của Phù Mỹ khá phong phú, số lượng ca dao, tục ngữ, hò vè... mà các nhà nghiên cứu sưu tầm được trên đất Phù Mỹ khá nhiều, tiêu biểu nhất có vè Chàng Lía. Văn hóa dân gian ở Phù Mỹ nồng đượm tình người, giàu hương sắc địa phương. Dân phù Mỹ rất ưa chuộng dân ca bài chòi và hát tuồng. Hát tuồng rất phổ biến tại những làng chài ven biển, tại các lễ hội cầu ngư, người ta thường tổ chức hát lăng, biểu diễn chèo bá trạo. Ở những làng quê phổ biến các hình thức hát hò, hát kết của các đôi trai gái trao gởi tâm tình... Hát hò, dân ca bài chòi là một trong những hình thức mà người Phù Mỹ sử dụng nhiều để thể hiện sự giàu có về tâm hồn của mình.
* Lịch sử đấu tranh hào hùng
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Phù Mỹ từng nổi tiếng với phong trào chống sưu cao thuế nặng (1908), nhiều văn thân yêu nước đã bị thực dân Pháp giết hại do vận động chống thực dân xâm lược. Trong giai đoạn 1945-1954, nắm chắc chiến lược "kháng chiến, kiến quốc" Đảng bộ và nhân dân Phù Mỹ đã gặt hái nhiều thành công, trở thành một phần quan trọng của hậu phương lớn tiếp sức cho tiền tuyến. Trong giai đoạn này nhiều phong trào như: xây dựng nếp sống mới, bình dân học vụ, đi dân công tiếp vận, giúp đỡ gia đình liệt sĩ, chăm sóc thương binh... đã được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Trong kháng chiến chống Mỹ, Phù Mỹ là một trong những địa bàn bị đánh phá ác liệt nhất. Nhưng cũng chính ở đây, nhiều trận thắng lớn đã diễn ra tại đây, điển hình có trận Đèo Nhong - Dương Liễu (2-1965) góp phần giải phóng gần hết huyện trong năm 1965, trận Núi Mun (Mỹ Tài, 1974)...
* Tiềm năng kinh tế

Dưới lòng đất của Phù Mỹ có khá nhiều khoáng sản chưa được điều tra khảo sát đánh giá một cách bài bản như: quặng sắt (Mỹ Châu), titan (Mỹ Thành, Mỹ Thọ), đá ốp lát (Mỹ Đức, Mỹ Chánh, Mỹ Hòa, Mỹ Thành), đá xây dựng (Mỹ Lợi, Mỹ An, Mỹ Trinh, Mỹ Hòa, Mỹ Hiệp), than bùn (Mỹ Thắng), cao lanh (Mỹ Hiệp, Mỹ Đức).
Bờ biển Phù Mỹ từ Phú Thứ (Mỹ Đức) đến Vĩnh Lợi (Mỹ Thành) có nhiều bãi ngang, rạn san hô, vũng tạo thành những cụm ao đìa ven bờ đủ điều kiện để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản kể cả lĩnh vực nuôi thủy sản bằng lồng thả nuôi trên biển. Cùng với nuôi trồng, Phù Mỹ còn khá mạnh về lĩnh vực chế biến thủy sản với các sản phẩm như: ruốc khô, cá khô, nước mắm, đặc biệt là loại mắm cá thu của Phù Mỹ thì nay đã nổi tiếng khắp cả nước. Ngành nghề thủ công ở Phù Mỹ cũng khá đa dạng, nhiều nơi đã hình thành vùng sản xuất tập trung sử dụng nguyên vật liệu địa phương như: chế biến nước mắm ở Mỹ Thọ, chế biến xơ dừa ở Mỹ Lợi, sản xuất đồ mây tre, đan lát ở Mỹ Trinh, sản xuất đồ sành sứ ở Mỹ Quang...
* Đánh thức tiềm lực
Cho đến nay, cùng với Tuy Phước, Vân Canh, An Nhơn; Phù Mỹ là huyện có nguồn đá ốp lát, đá xây dựng thuộc loại phong phú nhất. Chưa có những cuộc điều tra, khảo sát để đánh giá một cách toàn diện và đầy đủ tiềm năng, chủng loại, trữ lượng đá granite của Phù Mỹ (trừ mỏ đá đen tuyền Phù Hà – Mỹ Hòa được đánh giá sơ bộ có trữ lượng khoảng 4,5 triệu m3) nhưng điều có thể nói ngay là những loại đá đẹp nhất, có giá trị cao nhất mà thị trường đang chú ý hầu hết đều có đủ ở huyện này. Có thể kể đến những mỏ đá sắc xanh ở Mỹ Thành, đá sắc đỏ ở Mỹ Đức, đá sắc trắng, vàng tổ ong, đen tuyền ở Mỹ Hòa. Cho đến nay trên toàn địa bàn huyện vẫn mới chỉ có 2 đơn vị tổ chức khai thác đá granite với lượng khai thác hãy còn rất thấp. Một khi quốc lộ 1A được nâng cấp xong, các cụm công nghiệp được mở rộng, kinh tế phát triển đồng thời huyện cũng cải thiện sự hấp dẫn của chính sách hỗ trợ, trải thảm đỏ mời nhà đầu tư thì tình thế sẽ khác hẳn.
Trong những năm qua, các công trình nghiên cứu quốc gia về tuyển quặng tinh inmenhite, ziếc côn, rutin... trong sa khoáng biển Bình Định đã được Viện Địa chất khoáng sản, Viện Luyện kim màu triển khai và cho những kết quả sơ bộ đáng phấn khởi. Ước tính, Bình Định có khoảng 2 triệu tấn quặng tinh inmenhite nằm lộ thiên ven biển phân bố khá đồng đều ở hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát. Những thông số này cho phép Phù Mỹ tổ chức gọi mời đầu tư và khai thác khoáng sản titan là một trong những lĩnh vực mà Phù Mỹ đã thu hút được nhiều vốn đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn đã có 2 doanh nghiệp đang tổ chức khai thác sa khoáng titan, 2 doanh nghiệp khác đang hoàn chỉnh thủ tục để triển khai khai thác.
Bên cạnh lĩnh vực khai thác khoáng sản, nói tới Phù Mỹ bây giờ là nói đến chuyện phát triển nghề nuôi tôm trên cát. Quả thật, về Mỹ An và Mỹ Thắng vào những ngày này, trong câu chuyện của người dân, ta dễ dàng nhận thấy bóng dáng của con tôm. Ông Huỳnh Văn Nam – Phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết: "Bên cạnh 2.000 ha ao đầm đã được khai thác lâu nay, huyện đã hợp đồng nghiên cứu xây dựng quy hoạch vùng nuôi tôm trên cát để mở rộng khả năng nuôi trồng. Quy hoạch này do Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện, chính Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tác An – Viện trưởng chủ trì. Bản quy hoạch đã được các cơ quan thẩm định đánh giá rất cao. Tiếp đó hợp phần quy hoạch chi tiết được các chuyên gia của trường Đại học thủy lợi II thực hiện. Kết quả chúng tôi đã có một vùng nuôi tôm trên cát rộng 500 ha trong đó diện tích rừng chắn cát rộng 300ha, diện tích hồ nuôi trồng là 200ha. Huyện đã đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng đường giao thông, tiêu thoát nước, kéo điện đến chân công trình ao hồ. 120ha hồ tôm đầu tiên đã được triển khai xong ở Mỹ An, 80 ha còn lại của Mỹ Thắng hiện đang được khẩn trương thực hiện. Khu nuôi tôm này là điểm nhấn quan trọng để thể hiện năng lực khả năng phát triển của Phù Mỹ, bởi giá trị kinh tế của con tôm thì ai cũng đã biết rồi!".
* Nhìn về phía trước
Kinh tế Phù Mỹ trong mấy năm gần đây liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 7%/năm, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển đổi theo hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ có nhiều chuyển biến mới, một số ngành nghề truyền thống đã được phục hồi và tích cực tham gia thị trường. Số lượng tàu thuyền đánh cá, phương tiện vận tải đường bộ tăng đáng kể... Đó là cơ sở để ta có thể thêm tin tưởng vào tương lai phát triển của Phù Mỹ. Ông Trần Thái Nga - Chủ tịch UBND huyện khẳng định: "Có thể Phù Mỹ chưa có những bước phát triển nhảy vọt, nhưng với những gì đã đạt chứng tỏ chúng tôi đã có những bước đi vững chắc và đi đúng hướng. Cơ sở hạ tầng của Phù Mỹ đang được cải thiện tích cực: đường giao thông tốt hơn, trường học nhiều hơn, kiên cố hơn, hệ thống điện đang được nâng cấp về chất lượng, môi trường được kiểm soát chặt chẽ... Với sự chuẩn bị đó, chắc chắn trong giai đoạn sắp tới Phù Mỹ sẽ phồn vinh hơn."
. Bá Phùng